Trong suốt quá trình xây dựng nhà, các gia chủ thường thuê những người có kiến thức, kinh nghiệm để giám sát quá trình thi công xây dựng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để thuê giám sát riêng. Trong trường hợp tự giám sát công trình, các gia chủ cần trang bị những kiến thức về kĩ thuật cơ bản dưới đây.
-
Nhiệm vụ chính của công tác giám sát
– Kiểm tra công việc và chất lượng thi công của nhà thầu.
– Theo dõi chất lượng vật tư xây dựng, yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng mức vật tư, tránh lãng phí hoặc không đảm bảo chất lượng.
– Tiến hành nghiệm thu từng hạng mục công việc, thúc đẩy thi công đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.
– Kiểm tra thực hiện an toàn lao động trong xây dựng.
-
Các kiến thức kĩ thuật cơ bản trong công tác giám sát
Công tác làm đất
Khi tôn nền bằng cát hoặc cát pha đất, cứ mỗi lớp dày 20cm phải tưới nước đầm kỹ cho đến cốt ± 0,000 (độ cao chuẩn của nền nhà), đất tôn nền phải sạch không lẫn các tạp chất hữu cơ. Khi đào móng phải chú ý không làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận. Đất cát lấp mỏng không lẫn tạp chất hữu cơ, mảnh gạch đá và tưới nước đầm kỹ từng lớp dày không quá 20cm. Phải bảo đảm cho nhà hai bên không bị lún, nứt nẻ.
Công tác bê tông cốt thép:
+ Vật liệu:
Xi măng phải từ PC 30 trở lên (hiện nay hầu hết các nhãn hiệu xi măng Hà Tiên, Sao Mai, Nghi Sơn, Hải Phòng, Hoàng Thạch… trên thị trường đều đạt, thậm chí có loại đạt vượt mác PC30), xi măng không tồn đọng quá 3 tháng. Cát đổ bê tông là loại cát hạt trung trở lên, phải sạch, không có bùn, tạp chất hữu cơ; cát xây, cát tô phải là cát chuyên dùng không lẫn lộn, cát phải sạch, không có hạt bụi. Đá dăm 1×2, lượng hòn dẹp và hình thoi lẫn trong đá không được quá 25% khối lượng, yêu cầu phải rửa sạch bột đá. Dùng nguồn nước máy để trộn bê tông và bảo dưỡng cấu kiện bê tông.
+ Thi công bê tông:
Thường chủ thầu đã tính toán trước cấp phối bê tông tuỳ theo mác bê tông. Khi thi công yêu cầu phải đúng theo tỷ lệ pha trộn bê tông, việc đo lường vật liệu để pha trộn phải thực hiện từng cối theo liều lượng quy định cho từng thành phần đã xác định. Khi vận chuyển đưa bê tông đến vị trí cấu kiện, không để mất nước xi măng và phân tầng. Nếu bị phân tầng phải trộn lại mới được đổ vào khuôn.
+ Ván khuôn và đà giáo:
Trước khi dựng ván khuôn phải kiểm tra cốt thép về vị trí, kích thước, hình dạng. Chỉ cho phép sai lệch trong từng tầng một, đến tầng tiếp phải điều chỉnh lại cho đúng vị trí thiết kế. Kiểm tra độ chặt, kín giữa các tấm ván khuôn và giữa các ván khuôn với mặt nền. Kiểm tra sự ổn định, chắc chắn của ván khuôn và đà giáo. Chỉ được tháo dỡ ván khuôn sau khi bê tông đã đạt cường độ cần thiết theo đúng quy phạm. Tất cả kết cấu sau khi tháo ván khuôn phải đợi đến khi bê tông đạt cường độ thiết kế mới cho phép chịu tải trọng toàn bộ.
+ Gia công và lắp đặt cốt thép:
Cốt thép của kết cấu bê tông phải gia công và lắp đặt đúng bản vẽ thiết kế. Thép phải tròn đều, không khuyết tật và thẳng. Bề mặt sạch, không bám bùn đất, dầu mỡ, rỉ. Nối cốt thép tránh các vị trí chịu lực lớn, chỗ uốn cong, tránh trùng nhiều mối nối trên mọi mặt cắt ngang của cấu kiện. Chiều dài đoạn chồng nối theo đúng quy phạm. Đối với cấu kiện có nhiều thép lớn d>20 mm (cột, dầm) nhất thiết phải chấm hàn điểm sao cho giữ đúng cự ly, gián cách theo quy phạm (tránh không bị dồn ép các cốt thép vào nhau). Nghiệm thu cốt thép theo bản vẽ thiết kế trước khi đổ bê tông: Đảm bảo cốt thép đúng chủng loại, kích cỡ, số lượng, lắp đặt đúng vị trí, cốt đai buộc thẳng góc cột dọc và chặt, đều; tất cả các cấu kiện đều phải được kê bằng các miếng đệm vữa mác tương đương mác bê tông có thép buộc chôn sẵn, tuyệt đối không dùng các viên đá, sỏi, mẩu vụn sắt để kê cốt thép. Nếu cốt thép đã gia công sẵn, hoặc cốt thép đã lắp đặt vào công trình lâu ngày chưa đổ bê tông, phải được lau sạch, cạo rỉ nghiệm thu lại mới được đổ bê tông.
+ Đổ và đầm bê tông:
Trước khi đổ bê tông phải kiểm tra lại hình dáng, kích thước và độ hở các khe rãnh của ván khuôn. Làm vệ sinh sạch sẽ và tưới đẫm nước ván khuôn gỗ, các khe phải chèn kín. Không được đi trực tiếp lên thép và vùng đổ bê tông nhất là với sàn bẩn (cần thiết phải bắc cầu). Không xeo nạy khi đổ bê tông ở vùng có cấu kiện cốt thép dày đặc, bề mặt chật hẹp. Đổ bê tông phải giữ đúng trình tự, chiều dày của lớp đổ bảo đảm dầm bê tông được tốt, không đổ bê tông bị phân cỡ, phân tầng. Bê tông phải đổ liên tục, không ngừng tuỳ tiện (thời tiết mùa hè nhiệt độ 30oC không cho phép ngừng, mùa thu đông nhiệt độ dưới 25oC ngừng một giờ). Điểm dừng của bê tông theo đúng quy phạm và hướng dẫn của thiết kế. Xử lý khớp nối điểm dừng khi đổ tiếp bê tông: chải sạch màng vữa bề mặt, làm nhám lớp bê tông cũ, rửa sạch, tưới nước xi măng và đổ bê tông ngay. Đầm bê tông bằng máy, đầm kỹ, không bỏ sót, bảo đảm thời gian đầm vừa đủ. Đối với khối bê tông các bể nước và các bản sàn tại các khu buồng vệ sinh phải đổ bê tông liên tục không cho điểm dừng tạm
+ Bảo dưỡng bê tông:
7 ngày đầu phải tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm. 7 ngày tiếp theo cứ 3 giờ tưới một lần về ban đêm. Dùng nước sạch để dưỡng hộ bê tông. Những ngày đầu, trong khi dưỡng hộ không được va mạnh đến ván khuôn, đà giáo. Chú ý: Đối với sàn mái, sàn khu vệ sinh, bể nước phải ngâm nước xi măng chống thấm theo đúng quy phạm đến khi nào hết thấm nước mới ngưng.
Phần nề:
+ Vữa xây, trát, láng:
Vữa đã trộn phải dùng hết trước lúc bắt đầu đông cứng. Vữa bị phân tầng khi vận chuyển phải trộn lại cẩn thận tại chỗ trước khi thi công. Cấm dùng vữa không đúng độ dẻo hay nghiền nhuyễn vữa đã đông cứng.
+ Khối xây gạch:
Gạch phải nhúng kỹ trước khi xây. Thay nước nhúng thường xuyên, không được dùng gạch tưới qua nước để xây. Khối xây bảo đảm mặt đứng, mặt ngang, các góc (mạch không trùng, chiều dày, độ đặc của mạch, độ thẳng đứng và nằm ngang, độ phẳng và thẳng góc) theo quy phạm. Mạch vữa ngang không nhỏ hơn 8 mm, không lớn hơn 15 mm. Mạch vữa đứng khoảng 10 mm. Các mạch phải no vữa. Khi tạm dừng đợt xây tường, chỉ được để mỏ giật cấp, không để mỏ nanh, mỏ hốc.
+ Trát:
Trước khi trát, mặt cấu kiện phải được làm sạch và tưới nước cho ẩm. Lớp vữa trát phải dính chắc, kiểm tra bằng cách gõ nhẹ lên mặt trát không nghe bộp. Mặt trát phải phẳng đều, các cạnh gờ phải thẳng, sắc cạnh, áp thước dài 2 m vào mặt trát không gồ ghề, lồi lõm quá 2mm.
+ Lát:
Gạch, đá lát phải rửa sạch và nhúng nước kỹ mới đem lát. Xếp hình hoa văn phải theo đúng yêu cầu. Mặt lát phẳng, áp thước dài 2m dung sai ±3mm. Lát chắc, đặc, dùng búa gỗ gõ nhẹ không nghe bộp. Độ dốc nước phải dốc hết, không đọng ở sàn.
+ Ốp:
Trước khi ốp phải lắp đặt lại hệ thống thiết bị cấp thoát nước và các đường dây chôn ngầm trong mặt ốp. Gạch ốp đồng đều kích cỡ, các cạnh phải thẳng sắc, không được cong vênh, bẩn, ố mờ men, gạch men phải nhúng nước kỹ trước khi ốp. Mặt tường ốp phải đạt yêu cầu: gạch ốp đúng kiểu cách, các mặt phải ngang bằng nhúng nước kỹ trước khi ốp. Mặt tường ốp phải đạt yêu cầu: gạch ốp đúng kiểu cách, các mặt phải ngang bằng, thẳng đứng dung sai 2 mm/1md. Khe rộng mặt ốp 1mm và phải chèn đầy hồ xi măng tráng lỏng, miết cạnh xong không để lại vết vữa trên gạch. Vết sứt mẻ và gẫy cạnh góc gạch ốp không quá 1 mm. áp thước tầm lên mặt phẳng, dung sai ±2 mm. Từng viên gạch ốp phải chắc đặc, dùng búa gõ nhẹ không nghe tiếng bộp. Các góc tiếp giáp liền mí, vuông thành, thẳng góc. Giữ không để mặt ốp bị va đập, dính bẩn.
+ Trát, láng granito:
Làm sạch nhám bề mặt trước khi trát, lát lớp vữa lót. Trộn đúng màu, mặt trát, lát phải bám chắc, gõ không bộp, tươi màu, đều đá. Mặt phẳng ốp thước đo 2 m không gồ ghề quá ±2 mm. Các cạnh góc phải vuông thành sắc cạnh.
Sơn, lắp kính:
+ Sơn phải đảm bảo bám chắc, áp thước dài 2 m độ gồ ghề mặt phẳng không quá 0,5 mm. Màu sắc đồng đều, kiểm tra bằng ánh sáng không thấy dợn mấp mô. Sơn lên mặt kim loại phải làm nhẵn bề mặt kim loại, lớp sơn không có nếp nhăn, không đọng giọt sơn, độ bám chắc, không có chỗ sót, màng sơn đồng đều về độ dày và màu sắc.
+ Lắp kính:
Khung và cửa lắp phải sít chắc tại các điểm nối và trên tổng thể khung, khung phải đảm bảo đúng kích thước hình học thiết kế, bảo đảm độ thăng bằng ngang và thẳng đứng (kiểm tra bằng nivô). Kính phải lắp khít, chắc, phẳng mặt. Tại các chỗ cố định về bê tông, gạch phải chèn bằng vữa xi măng mác >75, vết chèn phải liền mặt với tường, sàn…
Cốp pha, cây chống, giàn giáo:
Cốp pha thép định hình
Sử dụng cốp pha thép định hình và giàn giáo lắp ghép bằng kim loại sẽ đảm bảo chất lượng công trình hơn dùng bằng gỗ.
Phần mộc:
Gỗ sử dụng trong công trình phải được hong, sấy khô mới dùng. Gỗ phải thẳng không bị cong vênh (theo thời gian), không nứt nẻ, không khuyết tật, không có lỗ mối mọt và không lẹm phần bìa. Các mộng phải khít, chắc và mỹ thuật.
Để hạn chế tối đa rủi ro khi xây nhà
Theo các nhà chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân làm công trình xây dựng kém chất lượng. Nhưng nổi cộm nhất là tình trạng làm ẩu, bỏ qua các công đoạn trong khâu khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu xây dựng chất lượng kém. Kết quả của việc làm này là tuổi thọ công trình giảm, bị rạn nứt, nghiêng lún, thậm chí sụp đổ. Đối với các công trình nhà ở, chủ thường thuê các nhà thầu xây dựng bằng hình thức bao trọn gói (cả vật tư và thi công) hoặc chỉ khoán phần thi công. Để tiết kiệm chi phí (khoảng 3% giá trị công trình), nhiều gia chủ thường bỏ qua giai đoạn khảo sát, thiết kế mà chỉ thực hiện việc thi công dựa trên kinh nghiệm của nhà thầu hoặc phác thảo đơn giản.
Nếu chỉ dựa trên kinh nghiệm thì khi gặp tình huống bất ngờ như nền đất quá yếu, gặp túi bùn, túi rác… dưới nền móng mà không khảo sát trước sẽ dễ gặp sự cố. Trong hệ thống móng, chỉ cần một vị trí lún không đều là tường đã nứt xé, còn nún nhiều hơn sẽ gây nứt bê tông, nghiêng lún căn nhà.
Về vấn đề thi công, do xây dựng đang là lĩnh vực “dễ ăn” nên ngày càng xuất hiện nhiều nhà thầu không có chuyên môn. Họ nhận nhiều công trình một lúc nên đội ngũ thợ phải san sẻ ra các công trình, thiếu đâu thuê đó. Người biết nhiều thì chỉ cho người biết ít… Người trực tiếp điều hành công việc thi công vốn đang thiếu trầm trọng nên cứ thế chạy từ công trình này sang công trình khác, không còn có điều kiện sâu sát để kịp thời xử lý các tình huống…